Silver Sea Loigstics

ĐĂNG KÝ TÀU BIỂN TẠI VIỆT NAM

ĐĂNG KÝ TÀU BIỂN TẠI VIỆT NAM

Điều kiện đăng ký tàu biển

Tàu biển được đăng ký tại Việt Nam khi tàu biển đó không còn mang đăng ký tàu biển nước khác, đã được cấp các loại giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, thuộc sở hữu của tổ chức Việt Nam có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc của công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có tên gọi riêng do chủ tàu đặt được Cơ quan Đăng ký TB&TV chấp thuận. Nếu là tàu cũ mua của nước ngoài và lần đầu đăng ký, tái đăng ký tại Việt Nam thì không được quá 15 tuổi, trường hợp đặc biệt phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Tàu biển thuộc sở hữu của các doanh nghiệp liên doanh hoặc doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tàu biển thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài và tàu biển thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài mà tổ chức, cá nhân là doanh nghiệp Việt Nam thuê theo hợp đồng thuê tàu trần hoặc thuê-mua cũng được đăng ký tại Việt Nam (Quy chế đăng ký tàu biển và thuyền viên ban hành kèm theo Nghị định số 91/CP ngày 23/8/1997 của Chính phủ.

Trình tự và thủ tục đăng ký tàu biển

Chủ tàu có nghĩa vụ đăng ký tàu biển tại CQĐKTB&TV; Trong cùng một thời điểm, mỗi tàu biển chỉ được phép đăng ký tại một CQĐKTB&TV. Chủ tàu phải nộp các giấy tờ khi đăng ký, gồm: Đơn xin đăng ký; Giấy chứng nhận xoá đăng ký cũ nếu là tàu cũ hoặc giấy xác nhận tạm ngừng đăng ký gốc trong thời gian tàu cho thuê tàu trần hay thuê mua do CQĐK nước ngoài cấp; Hợp đồng đóng tàu hoặc chuyển quyền sở hữu tàu; Giấy phép mua tàu; Giấy chứng nhận cấp tàu, GCN khả năng đi biển, GCN dung tích; GCN liên quan đến hiện trạng sở hữu tàu biển; GCN đã nộp lệ phí trước bạ.

Và phải xuất trình các giấy tờ, gồm : Hồ sơ an toàn kỹ thuật do Đăng kiểm cấp; GCN sử dụng đài tàu; Các GCN khác về quyền sử dụng và khai thác tàu do Cơ quan có thẩm quyền cấp; Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu.

Tàu biển thuộc sở hữu của tổ chức , cá nhân Việt Nam đăng ký ở nước ngoài

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hoặc Bộ thuỷ sản (Nếu là tàu biển chuyên dùng cho ngành thuỷ sản) quyết định việc cho phép đăng ký ở nước ngoài tàu biển thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam trong các trường hợp: Tàu được khai thác trên cơ sở các hợp đồng thuê tàu trần hoặc hợp đồng thuê – mua tàu được ký kết giữa chủ tàu Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài; Tàu được cơ quan đăng ký có thẩm quyền nước ngoài chấp thuận việc đăng ký tàu biển ở nước đó những vẫn giữ nguyên quyền sở hữu của chủ tàu Việt Nam.

Pháp luật Việt Nam được áp dụng để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu tàu biển. Pháp luật nước ngoài nơi tàu đăng ký chỉ được áp dụng để giải quyết các vấn đề có liên quan đến quyền khai thác và quản lý tàu trên cơ sở hợp đồng thuê tàu trần hoặc hợp đồng thuê-mua tàu.

Thay đổi tên tàu ,tái đăng ký và chuyển đăng ký

Trường hợp cần thay đổi tên tàu, tái đăng ký mà trước đây tàu đã được đăng ký chủ tàu phải làm đơn nêu rõ lý do, Cơ quan đăng ký tàu biển và thuyền viên khu vực nơi tàu đó được đăng ký xem xét và cấp lại “Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển” trong vòng 5 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Khi thay đổi chủ tàu trên cơ sở hợp đồng chuyển quyền sở hữu tàu hoặc chuyển đăng ký tàu từ khu vực này đến khu vực khác tại Việt Nam , việc đăng ký được thực hiện như đăng ký lần đầu.

Đăng ký tạm thời tàu biển

Tàu biển được đăng ký tạm thời khi tàu biển đã qua sử dụng được tổ chức hoặc cá nhân Việt Nam mua của nước ngoài để sử dụng nhưng chủ tàu chưa có giấy chứng nhận xoá đăng ký tàu biển do cơ quan đăng ký tàu biển cũ của tàu cấp hoặc chưa có giấy chứng nhận đã nộp lệ phí trước bạ theo quy định của pháp luật Việt Nam; hoặc khi chủ tàu cần thử tàu đóng mới ở trong nước hoặc ở nước ngoài, nhận tàu để đưa tàu về nơi đăng ký chính thức trên cơ sở các hợp đồng đóng tàu, hợp đồng chuyển dịch sở hữu tàu và khi đăng ký tàu biển đang được đóng tại xưởng mà chủ tàu chưa nộp lệ phí trước bạ; hoặc khi mua tàu đóng mới, tàu biển đã sử dụng ở nước ngoài nhưng tàu được khai thác ở nước ngoài chưa về Việt Nam. Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời của tàu biển có giá trị trong vòng 90 ngày kể từ ngày cấp giấy chứng nhận. Trong thời hạn 90 ngày, chủ tàu phải hoàn tất các thủ tục theo quy định của Quy chế để đăng ký chính thức tàu biển.

Khi đăng ký tạm thời cho tàu biển, chủ tàu phải nộp tờ khai xin đăng ký tạm thời theo mẫu, bản sao có thị thực hợp lệ của hợp đồng đóng tàu hoặc hợp đồng chuyển dịch sở hữu tàu (01 bản), giấy chứng nhận xoá đăng ký (nếu là tàu cũ) hoặc giấy phép xuất xưởng (nếu là tàu đóng mới), hồ sơ an toàn kỹ thuật tàu biển và giấy phép sử dụng đài tàu. Đối với tàu biển chuyên dùng để vận chuyển dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc vận chuyển hàng nguy hiểm, chủ tàu bắt buộc phải xuất trình ngay hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu hoặc giấy tờ có giá trị tương đương.

Đăng ký cầm cố thế chấp

Đối với tàu biển, đăng ký giao dịch bảo đảm là đăng ký cầm cố, thế chấp tàu biển. Tàu biển đã được đăng ký tại cơ quan đăng ký tàu biển thuyền viên khu vực nào sẽ được đăng ký cầm cố, thế chấp tại cơ quan đó. Việc đăng ký giao dịch bảo đảm có hiệu lực trong 5 năm kể từ ngày đăng ký, trừ trường hợp các bên có yêu cầu xoá đăng ký trước thời hạn hoặc có yêu cầu đăng ký gia hạn. Thời hạn của mỗi lần đăng ký gia hạn là 5 năm.

Đăng ký cầm cố, thế chấp hoặc cầm giữ hàng hải tàu biển được thực hiện theo quy định tại Bộ luật hàng hải Việt Nam, năm 1990 và Quy chế Đăng ký tàu biển và thuyền viên ban hành kèm theo Nghị định số 91/CP ngày 23 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ và quy định tại Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2000 của Chính phủ.

Xóa đăng ký tàu biển

Để làm thủ tục xoá đăng ký tàu biển, chủ tàu phải làm đơn nói rõ lý do xoá đăng ký tàu biển. Tàu biển Việt Nam đương nhiên được xoá đăng ký trong “Sổ đăng ký tàu biển quốc gia” trong các trường hợp: tàu bị phá huỷ, bị chìm đắm mà cơ quan điều tra tai nạn hàng hải có thẩm quyền xác nhận đã thật sự mất khả năng đi biển, tàu bị coi là mất tích theo quy định của pháp luật, tàu bị hư hỏng không thể sửa chữa hoặc việc sửa chữa không mang lại hiệu quả kinh tế cho chủ tàu, tàu không có đủ cơ sở điều kiện để được mang quốc tịch tàu biển Việt Nam theo quy định của pháp luật, tàu không còn tính năng đi biển và theo đề nghị của chủ tàu khi thực hiện việc chuyển sở hữu tàu hoặc đi đăng ký ở nước ngoài.

Nguồn: Cục Hàng hải Việt Nam