Silver Sea Loigstics

CÁC THỦ TỤC LIÊN QUAN ĐẾN CẢNG BIỂN

Cảng biển là cảng được mở ra để tàu biển ra, vào hoạt động. Cảng biển bao gồm vùng đất cảng và vùng nước cảng. Vùng đất cảng gồm kho bãi, cầu cảng, nhà xưởng, khu hành chính và dịch vụ hàng hải. Vùng nước cảng gồm vùng nước trước cầu cảng, vùng neo đậu- chuyển tải, luồng ra vào cảng và vùng tránh bão.

I. ĐIỀU KIỆN KINH DOANH KHAI THÁC CẢNG BIỂN
1. Quy định của pháp luật:
Hoạt động của các tổ chức, các nhân Việt Nam và nước ngoài, của tổ chức liên doanh, hợp tác giữa Việt Nam và nước ngoài tại Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh khai thác cảng biển phải tuân theo:

– BLHHVN và Nghị định số 13/CP ngày 25-2-1994 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và các khu vực hàng hải ở Việt Nam và được sửa đổi tại Nghị định số 24/2001/NĐ-CP ngày 30-5-2001 của Chính phủ.
– Luật doanh nghiệp nhà nước và Luật Doanh nghiệp.
– Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
– Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác.

2. Thủ tục đăng ký kinh doanh:
– Đối với các Doanh nghiệp Việt Nam : Chủ doanh nghiệp thực hiện đăng ký kinh doanh tại UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo các quy định của pháp luật hiện hành.

– Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: Thực hiện theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

3. Giá, cước, phí và lệ phí cảng biển:
Chế độ về phí,lệ phí hàng hải và giá dịch vụ cảng biển Việt Nam phải thực hiện theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật dưới đây do nhà nước ban hành:

– Pháp lệnh phí và lệ phí năm 2001.
– Pháp lệnh giá năm 2002.
– Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 3-6-2002 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí.
– Quyết định số 61/2003/QĐ-BTC ngày 25-4-2003 của Bộ Tài chính về ban hành Biểu mức thu phí, lệ phí và giá dịch vụ cảng biển.

– Quyết định số 62/2003/QĐ-BTC ngày 2545-2003 của Bộ Tài chính về ban hành Biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải đối với tàu thuỷ vận tải nội địa và phí, lệ phí hàng hải đặc biệt.
Tuy nhiên, khi thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật nói trên cần nghiên cứu để áp dụng đúng quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan do nhà nước ban hành.

II. THỦ TỤC MỞ, ĐÓNG CẢNG BIỂN
Mở cảng biển, cầu cảng
1. Việc mở cảng biển, cầu cảng phải phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Mọi tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài được phép đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác cảng biển theo quy định của pháp luật Việt Nam (sau đây gọi chung là chủ đầu tư) đều có thể mở cảng biển, cầu cảng.

3. Việc chuẩn bị đầu tư xây dựng và thực hiện đầu tư xây dựng dự án mở cảng biển, cầu cảng của chủ đầu tư phải tuân thủ theo quy định có liên quan của pháp luật về quản lý đầu tư, xây dựng.

Điều 1. Thủ tục mở cảng biển
1. Chuẩn bị và thực hiện đầu tư xây dựng cảng biển:

a) Đối với dự án mở cảng biển, ngoài những thủ tục theo quy định có liên quan của pháp luật về quản lý đầu tư, xây dựng, khi chuẩn bị đầu tư xây dựng, chủ đầu tư gửi văn bản lấy ý kiến Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Nội dung văn bản phải nêu rõ sự cần thiết, địa điểm, quy mô, vùng đón trả hoa tiêu, luồng ra vào cảng và mục đích sử dụng của cảng biển. Chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của chủ đầu tư, các cơ quan quy định tại khoản này căn cứ chức năng, nhiệm vụ phải có văn bản trả lời cho chủ đầu tư; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

Chủ đầu tư chỉ thực hiện các bước tiếp theo đối với việc đầu tư xây dựng cảng biển sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

b) Trước khi tiến hành xây dựng cảng biển, chủ đầu tư gửi Cục Hàng hải Việt Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải bản sao Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật công trình cảng. Khi tiến hành đầu tư xây dựng cảng biển, chủ đầu tư phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư, xây dựng. Cục Hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức giám sát việc thực hiện xây dựng cảng biển của chủ đầu tư, phù hợp với quy hoạch được phê duyệt và bảo đảm an toàn hàng hải tại khu vực đó.

2. Công bố mở cảng biển :
a) Sau khi hoàn thành việc xây dựng cảng biển, chủ đầu tư gửi Cục Hàng hải Việt Nam các giấy tờ sau đây :

– Văn bản xin công bố mở cảng biển có nội dung : tên cảng, vị trí, vùng đón trả hoa tiêu, loại tàu thuyền và giới hạn trọng tải của tàu biển được phép ra, vào hoạt động;

– Bản sao Quyết định đầu tư xây dựng cảng của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

– Biên bản nghiệm thu cuối cùng để đưa công trình cảng đã hoàn thành xây dựng vào sử dụng có kèm theo bản vẽ hoàn công mặt bằng, mặt chính và mặt cắt ngang công trình cảng. Riêng đối với cảng dầu thô ngoài khơi thì không kèm theo bản vẽ hoàn công mặt bằng, mặt chính và mặt cắt ngang công trình cảng;

– Biên bản nghiệm thu giữa chủ đầu tư và các cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền về kết quả khảo sát mặt đáy vùng nước trước cầu cảng (riêng đối với cảng dầu thô ngoài khơi không cần nội dung này);

– Thông báo hàng hải về luồng ra, vào cảng và vùng nước trước cầu, cảng kèm theo bình đồ. Riêng với cảng dầu thô ngoài khơi, thông báo hàng hải về vùng an toàn khu vực cảng dầu thô ngoài khơi;

– Văn bản chứng nhận công trình cảng biển đạt tiêu chuẩn môi trường của cơ quan có thẩm quyền;

– Văn bản chứng nhận công trình cảng biển đủ điều kiện phòng chống cháy, nổ của cơ quan có thẩm quyền;

– Văn bản góp ý kiến của các cơ quan quy định tại điểm a khoản 1 Điều này đối với dự án đầu tư xây dựng cảng biển.

b) Quyết định công bố mở cảng biển thực hiện như sau:
– Chậm nhất 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ hợp lệ quy định tại điểm a của khoản này, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải. Chậm nhất 07 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo, Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị cho phép công bố mở cảng biển. Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải ban hành quyết định việc công bố mở cảng biển

– Quyết định công bố mở cảng biển phải nêu rõ các nội dung chính : tên, vị trí, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch của cảng biển; loại tàu thuyền và giới hạn trọng tải của tàu biển được phép ra vào hoạt động. Riêng đối với cảng dầu thô ngoài khơi, nội dung Quyết định công bố mở cảng phải nêu thêm : giới hạn vùng an toàn khu vực cảng dầu thô ngoài khơi và các yêu cầu về bảo đảm an toàn hàng hải hoặc những hướng dẫn hàng hải khác đối với hoạt động của tàu thuyền.

Điều 2. Thủ tục mở cầu cảng, khu chuyển tải
1. Chuẩn bị và thực hiện đầu tư xây dựng cầu cảng, khu chuyển tải :

a) Khi chuẩn bị đầu tư, chủ đầu tư gửi Cục Hàng hải Việt Nam văn bản đề nghị việc đầu tư xây dựng cầu cảng hoặc khu chuyển tải có kèm theo bản vẽ bình đồ mặt bằng bố trí cầu cảng, vùng nước trước cầu cảng và luồng ra, vào cảng hoặc bình đồ bố trí khu chuyển tải đó. Nội dung văn bản nêu rõ sự cần thiết, vị trí, quy mô và mục đích sử dụng của cầu cảng, khu chuyển tải. Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của chủ đầu tư, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản trả lời chủ đầu tư, trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

b) Trước khi tiến hành xây dựng cầu cảng hoặc khu chuyển tải, chủ đầu tư gửi Cục Hàng hải Việt Nam bản sao Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật công trình. Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện xây dựng cầu cảng hoặc khu chuyển tải của chủ đầu tư phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, bảo đảm an toàn hàng hải tại khu vực.

2. Thủ tục đưa cầu cảng, khu chuyển tải vào sử dụng :
a) Sau khi hoàn thành việc xây dựng cầu cảng hoặc khu chuyển tải, chủ đầu tư gửi Cục Hàng hải Việt Nam các giấy tờ sau đây :

– Văn bản xin phép đưa cầu cảng hoặc khu chuyển tải vào sử dụng;

– Bản sao Quyết định đầu tư xây dựng mới hoặc hoán cải, nâng cấp cầu cảng hoặc khu chuyển tải của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

– Biên bản nghiệm thu cuối cùng để đưa công trình đã hoàn thành xây dựng vào sử dụng có kèm theo bản vẽ hoàn công mặt bằng, mặt chính và mặt cắt ngang công trình cầu cảng hoặc bình đồ khu chuyển tải;

– Thông báo hàng hải kèm theo bình đồ của luồng ra, vào cầu cảng, khu chuyển tải; Biên bản nghiệm thu giữa chủ đầu tư và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về kết quả khảo sát mặt đáy vùng nước trước cầu cảng, khu chuyển tải;

– Văn bản chứng nhận công trình cầu cảng, khu chuyển tải đạt tiêu chuẩn môi trường của cơ quan có thẩm quyền;
– Văn bản chứng nhận công trình cầu cảng, khu chuyển tải đủ điều kiện phòng chống cháy, nổ của cơ quan có thẩm quyền.

b) Quyết định đưa cầu cảng, khu chuyển tải vào sử dụng:

Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ hợp lệ quy định tại khoản 2 của Điều này, Cục Hàng hải Việt Nam quyết định việc đưa cầu cảng hoặc khu vực chuyển tải vào sử dụng. Nội dung Quyết định phải nêu rõ : tên cầu cảng hoặc khu chuyển tải, loại tàu thuyền và giới hạn trọng tải của tàu biển được phép vào hoạt động.

Điều 3. Xây dựng các công trình khác trong vùng nước cảng biển
Đối với các công trình như cầu, đường hầm, bến phà, đường dây điện, ống cáp ngầm và các công trình tương tự khác không thuộc dự án xây dựng cầu cảng, khu chuyển tải trong vùng nước cảng biển quy định tại Điều 6 và Điều 7 của Nghị định này, chủ đầu tư của các công trình này phải thực hiện quy định dưới đây :

1. Chuẩn bị và thực hiện đầu tư xây dựng công trình:

a) Khi chuẩn bị đầu tư xây dựng, chủ đầu tư gửi Cục Hàng hải Việt Nam văn bản giải trình về công trình sẽ đầu tư xây dựng với nội dung : tên, vị trí, mục đích sử dụng, thời gian thi công, thông số kỹ thuật và các đặc điểm khác của công trình có liên quan đến hoạt động hàng hải tại khu vực đó. Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của chủ đầu tư, Cục Hàng hải Việt Nam phải có văn bản trả lời; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

b) Trước khi tiến hành xây dựng công trình, chủ đầu tư gửi Cục Hàng hải Việt Nam bản sao Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật công trình. Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện xây dựng công trình của chủ đầu tư nhằm bảo đảm an toàn hàng hải tại khu vực.

2. Đưa công trình vào sử dụng:

a) Trước khi đưa công trình vào sử dụng, chủ đầu tư phải cung cấp cho Cảng vụ hàng hải và Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam tại khu vực những thông tin sau : tên, vị trí, đặc điểm, giới hạn vùng nước của công trình (nếu có), các thông số kỹ thuật có liên quan như : chiều rộng khoang thông thuyền, chiều cao tĩnh không, các dấu hiệu cảnh báo, thời gian thông thuyền và độ sâu công trình so với mực nước “0” hải đồ, thời gian bắt đầu hoặc kết thúc (nếu có) hoạt động của công trình và các yêu cầu cần hạn chế khác nhằm bảo vệ công trình và bảo đảm an toàn đối với hoạt động hàng hải tại khu vực liên quan

b) Chủ đầu tư có trách nhiệm thông báo các thông tin nêu tại điểm a của khoản này trên phương tiện thông tin đại chúng trong 3 kỳ liên tiếp;

c) Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam có trách nhiệm thông báo hàng hải về các thông tin nêu tại điểm a của khoản này.

Điều 4. Đóng cảng biển hoặc tạm thời không đưa cầu cảng, khu chuyển tải vào hoạt động

1. Vì lý do bảo đảm an ninh, quốc phòng hoặc các lý do đặc biệt ảnh hưởng tới kinh tế – xã hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đóng cảng biển theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương liên quan.

2. Vì lý do bảo đảm an toàn hàng hải hoặc sự cố môi trường và phòng chống ô nhiễm môi trường hoặc phòng chống cháy, nổ hoặc các lý do khác, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định việc tạm thời đóng cảng biển trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

3. Vì lý do bảo đảm an toàn hàng hải hoặc các lý do khác, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định tạm thời không cho phép cầu cảng, khu chuyển tải hoạt động trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Cảng vụ hàng hải.

4. Sau thời hạn tạm thời đóng cảng biển quy định tại khoản 2 và tại khoản 3 Điều này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hoặc Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam xem xét và ra quyết định mở lại cảng biển hoặc cầu cảng khu chuyển tải trên cơ sở đề nghị của các cơ quan có liên quan.

III. THỦ TỤC TÀU THUYỀN ĐẾN, RỜI CẢNG BIỂN
Thủ tục xin đến cảng đối với tàu thuyền nước ngoài:
Tàu thuyền nước ngoài phải xin phép đến cảng biển theo thủ tục sau đây, trừ các trường hợp quy định tại Điều 12 của Nghị định này:

1. Đối với tàu thuyền không phải là tàu quân sự và tàu biển chạy bằng năng lượng nguyên tử:
a) Chậm nhất 24 giờ trước khi dự kiến đến vùng đón trả hoa tiêu, chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu phải gửi cho Cảng vụ hàng hải liên quan “Giấy xin phép tàu đến cảng” với nội dung sau :

– Tên, quốc tịch, hô hiệu, nơi đăng ký của tàu và tên chủ tàu;
– Chiều dài, chiều rộng, chiều cao và mớn nước của tàu khi đến cảng;
– Tổng dung tích, trọng tải toàn phần; số lượng và loại hàng hóa chở trên tàu;
– Số lượng thuyền viên, hành khách và những người khác đi theo tàu;
– Tên cảng rời cuối cùng và thời gian dự kiến tàu đến vùng đón trả hoa tiêu;
– Mục đích đến cảng.

Riêng đối với tàu thuyền nước ngoài xin đến cảng để thực hiện các hoạt động về nghiên cứu khoa học, nghề cá, cứu hộ, trục vớt tài sản chìm đắm, lai dắt, huấn luyện, văn hóa, thể thao, xây dựng công trình biển và khảo sát, thăm dò, khai thác tài nguyên trong vùng biển Việt Nam đều phải xuất trình Giấy phép hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền liên quan của Việt Nam;
– Tên đại lý của chủ tàu tại Việt Nam.

b) Chậm nhất 02 giờ, kể từ khi nhận được Giấy xin phép tàu đến cảng quy định tại điểm a khoản này, Cảng vụ hàng hải liên quan phải trả lời bằng văn bản cho chủ tàu biết việc chấp thuận hay không chấp thuận cho tàu đến cảng; trường hợp không chấp thuận, phải trả lời rõ lý do;
2. Đối với tàu quân sự nước ngoài, thủ tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 55/CP ngày 01 tháng 10 năm 1996 của Chính phủ về hoạt động của tàu quân sự nước ngoài vào thăm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
3. Đối với tàu biển chạy bằng năng lượng nguyên tử của nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho phép, trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
4. Tàu thuyền nước ngoài đến Việt Nam theo lời mời chính thức của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm thủ tục theo quy định riêng.

Miễn xin phép đến cảng biển :
Tàu thuyền nước ngoài được miễn xin phép đến cảng biển trong những trường hợp sau đây:

1. Tàu thuyền mang cờ quốc tịch của nước đã ký Hiệp định hàng hải với Việt Nam mà có quy định về miễn thủ tục xin cấp phép cho tàu đến cảng của mỗi bên ký kết.

2. Tàu thuyền nước ngoài có trọng tải toàn phần từ 150 DWT trở xuống.
3. Tàu thuyền vận chuyển hàng hóa hoặc hành khách đã đến cảng trong thời gian không quá 12 tháng, kể từ ngày tàu rời cảng Việt Nam lần cuối cùng.
4. Tàu thuyền gặp những lý do khẩn cấp dưới đây :
a) Xin cấp cứu cho thuyền viên, hành khách trên tàu;
b) Tránh bão;
c) Chuyển giao người, tài sản, tàu thuyền đã cứu được trên biển;
d) Khắc phục hậu quả sự cố, tai nạn hàng hải.
Trong những trường hợp nêu tại khoản này, thuyền trưởng phải nhanh chóng tìm mọi cách liên lạc với Cảng vụ hàng hải hoặc các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nơi gần nhất; đồng thời, có nghĩa vụ chứng minh về hành động của mình là thực sự cần thiết và hợp lý. Mọi hành vi lạm dụng quy định tại khoản này đều bị xử lý theo quy định pháp luật.

Thủ tục tàu thuyền đến và rời cảng biển:
1. Điều kiện đối với tàu thuyền hoạt động tại cảng biển

1.1. Tất cả các loại tàu thuyền, không phân biệt lớn nhỏ, quốc tịch và mục đích sử dụng chỉ được phép hoạt động tại vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải của Việt Nam, nếu có đủ điều kiện an toàn hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
1.2 Tất cả các loại tàu thuyền chỉ được tiến hành các hoạt động bốc, dỡ hàng hoá hoặc đón, trả hành khách tại những cảng biển đã được công bố và cầu cảng đã được phép đưa vào hoạt động.
1.3 Các loại tàu thuyền của nước ngoài có tổng dung tích từ 100 GT trở lên và tàu thuyền Việt Nam có tổng dung tích từ 1000 GT trở lên, đều phải dừng lại tại vùng đón trả hoa tiêu, nếu chưa có lệnh của Giám đốc Cảng vụ hàng hải thì không được phép điều động vào cảng. Trong trường hợp vì điều kiện thực tế để đảm bảo an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, Giám đốc Cảng vụ hàng hải có quyền quy định trong Nội quy Cảng biển đối với tàu thuyền Việt Nam có tổng dung tích dưới 1000 GT và tàu thuyền nước ngoài có tổng dung tích dưới 100 GT, phải dừng lại tại vùng đón trả hoa tiêu để chờ lệnh.

2. Thông báo tàu thuyền đến cảng biển
2.1 Chậm nhất 08 giờ trước khi tàu dự kiến đến vùng đón trả hoa tiêu, chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu phải gửi cho Cảng vụ hàng hải nơi tàu đến thông báo tàu đến cảng với nội dung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 của Nghị định này. Riêng những tàu thuyền đã được phép vào cảng theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Nghị định này thì trong thông báo tàu đến cảng chỉ có nội dung : tên tàu và thời gian tàu dự kiến đến vùng đón trả hoa tiêu.
2.2 Đối với tàu biển chạy bằng năng lượng nguyên tử không hạn chế tổng dung tích đến cảng theo quy định tại khoản 3 Điều 11 của Nghị định này, chậm nhất 24 giờ trước khi đến vùng đón trả hoa tiêu thì chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu phải báo cho Cảng vụ hàng hải nơi tàu đến.
2.3 Đối với tàu thuyền nhập cảnh thì sau khi nhận được thông báo tàu đến cảng quy định tại khoản 1 Điều này, Cảng vụ hàng hải liên quan phải báo ngay cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biết để phối hợp.
2.4 Giám đốc Cảng vụ hàng hải căn cứ tình hình thực tế để miễn, giảm điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này cho một số loại tàu thuyền có tổng dung tích dưới 200 GT, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến an toàn hàng hải ở khu vực đó.

3. Xác báo tàu thuyền đến cảng biển
3.1. Chậm nhất 02 giờ trước khi tàu dự kiến đến vùng đón trả hoa tiêu, chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu phải xác báo cho Cảng vụ hàng hải liên quan biết chính xác thời gian tàu đến. Trường hợp có người ốm, người chết, người cứu vớt được trên biển, người vượt biên ở trên tàu, thì trong lần xác báo cuối cùng này chủ tàu phải thông báo rõ tên, tuổi, quốc tịch, tình trạng bệnh tật, lý do tử vong và các yêu cầu liên quan khác.
3.2. Đối với tàu thuyền nhập cảnh thì sau khi nhận được xác báo của chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu, Cảng vụ hàng hải liên quan phải thông báo ngay cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác biết để phối hợp.

4. Điều động tàu thuyền vào cảng biển
4.1. Giám đốc Cảng vụ hàng hải có trách nhiệm chỉ định vị trí neo đậu cho tàu thuyền trong vùng nước cảng, chậm nhất 02 giờ kể từ khi nhận được thông báo tàu đã đến vị trí đón trả hoa tiêu. Trường hợp tàu thuyền nhập cảnh, ngay sau khi quyết định điều động tàu vào cảng, Cảng vụ hàng hải còn phải báo cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác biết thời gian và vị trí được chỉ định cho tàu vào neo đậu tại cảng.

4.2 . Giám đốc Cảng vụ hàng hải căn cứ vào loại tàu, cỡ tàu, loại hàng hoá, cầu cảng và kế hoạch điều độ của cảng, chỉ định cho tàu vị trí neo đậu để bốc, dỡ hàng hoá và đón trả hành khách. Chỉ có Giám đốc Cảng vụ hàng hải mới có quyền thay đổi vị trí neo đậu đã chỉ định cho tàu thuyền.

5. Địa điểm, thời hạn và giấy tờ làm thủ tục tàu thuyền vào cảng biển
5.1 . Tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa :
a) Địa điểm làm thủ tục : Trụ sở chính hoặc Văn phòng đại diện của Cảng vụ hàng hải;

b) Thời hạn làm thủ tục của chủ tàu : chậm nhất là 02 giờ kể từ khi tàu đã vào neo đậu tại cầu cảng, hoặc 04 giờ kể từ khi tàu đã vào neo đậu tại các trí khác trong vùng nước cảng;

c) Thời hạn làm thủ tục của Cảng vụ hàng hải :
– Đối với tàu biển : chậm nhất 01 giờ kể từ khi chủ tàu đã nộp, xuất trình đủ các giấy tờ hợp lệ dưới đây :
+ Các giấy tờ phải nộp (bản chính) :
* 01 Bản khai chung (Phụ lục 1);
* 01 Danh sách thuyền viên (Phụ lục 2);
* 01 Danh sách hành khách (nếu có – Phụ lục 3);
* Giấy phép rời cảng cuối cùng.
+ Các giấy tờ phải xuất trình (bản chính) :
* Giấy chứng nhận đăng ký tàu thuyền;
* Các giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật của tàu theo quy định;
* Sổ danh bạ thuyền viên hoặc sổ thuyền viên tương ứng;
* Chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên theo quy định.
+ Đối với các loại tàu thuyền khác, giấy tờ phải nộp và xuất trình thực hiện theo quy định pháp luật có liên quan.
d) Việc làm thủ tục vào cảng đối với tàu thuyền Việt Nam hoạt động nội địa quy định tại khoản này do Cảng vụ hàng hải thực hiện.

5.2. Tàu thuyền Việt Nam và nước ngoài nhập cảnh :
a) Địa điểm làm thủ tục : Trụ sở chính hoặc Văn phòng đại diện của Cảng vụ hàng hải, trừ các trường hợp quy định tại điểm b dưới đây.

b) Các trường hợp làm thủ tục tại tàu :
– Tàu khách;
– Trường hợp có đủ cơ sở để nghi ngờ tính xác thực khai báo về kiểm dịch của chủ tàu hoặc trước khi đến Việt Nam tàu đó rời cảng cuối cùng ở những khu vực có dịch bệnh của người, động vật và thực vật thì các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành liên quan tiến hành thủ tục tại vùng kiểm dịch.
Trong cả hai trường hợp này, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đó phải thông báo ngay cho Cảng vụ hàng hải và chủ tàu biết.

c) Thời hạn làm thủ tục của chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu : chậm nhất 02 giờ kể từ khi tàu đã vào neo đậu an toàn tại vị trí theo chỉ định của Giám đốc Cảng vụ hàng hải.

d) Thời hạn làm thủ tục của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành : không quá 01 giờ kể từ khi chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu đã nộp, xuất trình đủ các giấy tờ hợp lệ dưới đây :

– Các giấy tờ phải nộp (bản chính) :
+ 03 Bản khai chung (Phụ lục 1) nộp cho Cảng vụ hàng hải, Biên phòng cửa khẩu, Hải quan cửa khẩu;
+ 03 Danh sách thuyền viên (Phụ lục 2) nộp cho Cảng vụ hàng hải, Biên phòng cửa khẩu, Hải quan cửa khẩu;
+ 01 Danh sách hành khách (nếu có – Phụ lục 3) nộp cho Biên phòng cửa khẩu;
+ 01 Bản khai hàng hoá (Phụ lục 4) nộp cho Hải quan cửa khẩu;
+ 01 Bản khai dự trữ của tàu (Phụ lục 5) nộp cho Hải quan cửa khẩu;
+ 01 Bản khai hành lý thuyền viên (Phụ lục 6) nộp cho Hải quan cửa khẩu;
+ 01 Bản khai kiểm dịch y tế (Phụ lục 7) nộp cho cơ quan kiểm dịch y tế quốc tế;
+ 01 Bản khai kiểm dịch thực vật (nếu có – Phụ lục 8) nộp cho cơ quan kiểm dịch thực vật;
+ 01 Bản khai kiểm dịch động vật (nếu có – Phụ lục 9) nộp cho cơ quan kiểm dịch động vật;
+ Giấy phép rời cảng cuối cùng (bản chính) nộp cho Cảng vụ hàng hải.
– Các giấy tờ phải xuất trình (bản chính) :
+ Giấy chứng nhận đăng ký tàu thuyền;
+ Các giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật của tàu theo quy định;
+ Chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên theo quy định;
+ Sổ danh bạ thuyền viên (đối với tàu thuyền Việt Nam);
+ Hộ chiếu thuyền viên hoặc Sổ thuyền viên;
+ Phiếu tiêm chủng quốc tế của thuyền viên;
+ Các giấy tờ liên quan đến hàng hóa chở trên tàu;
+ Giấy chứng nhận kiểm dịch y tế;
+ Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (nếu có);
+ Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật hoặc Giấy chứng nhận sản phẩm động vật (nếu hàng hoá là sản phẩm động vật) của nước xuất hàng;
+ Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu, nếu là tàu chuyên dùng vận chuyển dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hoá nguy hiểm khác;
+ Hộ chiếu, Phiếu tiêm chủng quốc tế của hành khách (nếu có, khi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành liên quan yêu cầu).
Riêng đối với tàu thuyền có trọng tải từ 200 DWT trở xuống mang cờ của quốc gia có chung biên giới với Việt Nam khi đến cảng biển tại khu vực biên giới của Việt Nam với quốc gia đó, được miễn giảm giấy tờ nêu tại khoản này theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

đ) Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chỉ được yêu cầu chủ tàu nộp, xuất trình những giấy tờ có liên quan đến chức năng quản lý của cơ quan mình theo quy định tại điểm d khoản này và khi đã hoàn thành thủ tục phải báo ngay cho Cảng vụ hàng hải biết; trường hợp chưa xong phải báo rõ lý do và cách thức giải quyết.

5.3. Tàu thuyền đã làm thủ tục nhập cảnh ở một cảng của Việt Nam , sau đó đến cảng khác thì không làm thủ tục nhập cảnh theo quy định tại khoản 2 Điều này. Cảng vụ hàng hải nơi tàu đến căn cứ Giấy phép rời cảng do Cảng vụ hàng hải nơi tàu rời cảng trước đó cấp và Bản khai chung của chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu để quyết định cho tàu vào hoạt động tại cảng; các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác căn cứ hồ sơ chuyển cảng (nếu có) do cơ quan tương ứng nơi tàu rời cảng trước đó cung cấp để thực hiện nghiệp vụ quản lý của mình theo quy định của pháp luật.

5.4. Thủ tục vào cảng đối với tàu quân sự và các tàu thuyền khác của nước ngoài đến thăm Việt Nam theo lời mời của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện theo quy định riêng.

6. Xác báo tàu thuyền rời cảng biển
6.1. Chậm nhất 02 giờ trước khi tàu thuyền rời cảng, chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu phải xác báo cho Cảng vụ hàng hải tên tàu và thời gian tàu dự kiến rời cảng.
6.2. Đối với tàu thuyền xuất cảnh thì ngay sau khi nhận được nội dung xác báo của chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu, Cảng vụ hàng hải phải báo ngay cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành liên quan biết để kịp thời làm thủ tục xuất cảnh cho tàu.

7. Địa điểm, thời hạn và giấy tờ khi làm thủ tục tàu thuyền rời cảng biển
7.1. Tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa :
a) Địa điểm làm thủ tục : Trụ sở chính hoặc Văn phòng đại diện của Cảng vụ hàng hải;
b) Thời hạn làm thủ tục của chủ tàu : chậm nhất 02 giờ trước khi tàu rời cảng;
c) Thời hạn làm thủ tục của Cảng vụ hàng hải : chậm nhất 01 giờ kể từ khi chủ tàu đã nộp, xuất trình đủ các giấy tờ hợp lệ quy định dưới đây :

– Giấy tờ phải nộp (bản chính) : 01 Bản khai chung.
– Giấy tờ phải xuất trình (bản chính) :
+ Các giấy chứng nhận của tàu và chứng chỉ khả năng chuyên môn của thuyền viên (nếu thay đổi so với khi đến);
+ Các giấy tờ liên quan đến xác nhận việc nộp phí, lệ phí, tiền phạt hoặc thanh toán các khoản nợ theo quy định của pháp luật.
7.2. Tàu thuyền xuất cảnh:
a) Địa điểm làm thủ tục: Trụ sở chính hoặc Văn phòng đại diện của Cảng vụ hàng hải;
Riêng đối với tàu khách thì địa điểm làm thủ tục có thể là tại tàu nhưng chỉ do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có yêu cầu thực hiện và chịu trách nhiệm.

b) Thời hạn làm thủ tục của chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu : chậm nhất 02 giờ trước khi tàu rời cảng. Riêng tàu khách và tàu chuyên tuyến, chậm nhất là ngay trước thời điểm tàu chuẩn bị rời cảng;

c) Thời hạn làm thủ tục của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành : chậm nhất 01 giờ kể từ khi chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu đã nộp, xuất trình đủ các giấy tờ hợp lệ dưới đây :
– Các giấy tờ phải nộp (bản chính) :
+ 03 Bản khai chung, nộp cho Cảng vụ hàng hải, Biên phòng cửa khẩu, Hải quan cửa khẩu;
+ 03 Danh sách thuyền viên (nếu thay đổi so với khi đến) nộp cho Cảng vụ hàng hải, Biên phòng cửa khẩu, Hải quan cửa khẩu;
+ 01 Danh sách hành khách (nếu thay đổi so với khi đến) nộp cho Biên phòng cửa khẩu;
+ 01 Bản khai dự trữ của tàu, nộp cho Hải quan cửa khẩu;
+ 01 Bản khai hàng hóa (nếu có) nộp cho Hải quan cửa khẩu;
+ 01 Bản khai hành lý hành khách (nếu có) nộp cho Hải quan cửa khẩu; riêng đối với hành lý của hành khách trên tàu khách nước ngoài đến cảng và sau đó rời cảng trong cùng một chuyến, thì không áp dụng thủ tục khai báo hải quan;
+ Những giấy tờ do các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đã cấp cho tàu, thuyền viên và hành khách (để thu hồi).
– Các giấy tờ phải xuất trình (bản chính) :
+ Các giấy chứng nhận của tàu (nếu thay đổi so với khi đến);
+ Chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên (nếu có thay đổi so với khi đến);
+ Hộ chiếu thuyền viên, Hộ chiếu của hành khách;
+ Phiếu tiêm chủng quốc tế của thuyền viên, hành khách (nếu thay đổi so với khi đến);
+ Giấy chứng nhận kiểm dịch y tế (nếu có);
+ Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật hoặc Giấy chứng nhận sản phẩm động vật (nếu có);
+ Các giấy tờ liên quan đến hàng hóa chở trên tàu;
+ Các giấy tờ liên quan đến xác nhận việc nộp phí, lệ phí, tiền phạt hoặc thanh toán các khoản nợ theo quy định của pháp luật.

8. Địa điểm, thời hạn và giấy tờ làm thủ tục cho tàu thuyền xuất nhập cảnh tại cảng dầu thô ngoài khơi
8.1. Địa điểm, thời hạn, giấy tờ theo quy định tại các Điều 17 và Điều 19 của Nghị định này.
8.2. Các giấy tờ phải nộp và xuất trình được quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo trình tự sau :
a) Khi nhập cảnh, chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu phải gửi qua Fax cho Cảng vụ hàng hải các giấy tờ sau đây :
– 01 Bản khai chung;
– 01 Danh sách thuyền viên;
– 01 Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu đối với ô nhiễm dầu.

b) Khi Cảng vụ hàng hải nhận đủ các giấy tờ quy định tại điểm a khoản này thì cấp Giấy phép rời cảng cho tàu qua đại lý của chủ tàu. Đại lý phải ký cam kết đã nhận Giấy phép rời cảng;

c) Chậm nhất 24 giờ sau khi trở lại bờ, đại lý của chủ tàu có trách nhiệm nộp đầy đủ các giấy tờ phải nộp (bản chính) và các giấy tờ phải xuất trình (bản phô tô có xác nhận của thuyền trưởng và dấu của tàu). Ngoài ra còn phải nộp bản phô tô Giấy phép rời cảng có chữ ký nhận của thuyền trưởng và dấu của tàu.

8.3. Các quy định của Điều này cũng được áp dụng đối với tàu thuyền nước ngoài khi làm thủ tục xuất, nhập cảnh ngoài khơi thuộc vùng biển Việt Nam để thực hiện thăm dò, khảo sát, khai thác dầu khí, dịch vụ dầu khí và xây dựng công trình biển.

9. Điều kiện tàu thuyền rời cảng biển
9.1 . Tàu thuyền chỉ được phép rời cảng sau khi đã hoàn thành các thủ tục quy định tại Điều 19 của Nghị định này và được Giám đốc Cảng vụ hàng hải cấp Giấy phép rời cảng.

9.2. Giám đốc Cảng vụ hàng hải chỉ được cấp Giấy phép rời cảng, nếu tàu thuyền đã có đủ các điều kiện an toàn đi biển và hoàn thành mọi thủ tục theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp sau :

a) Tàu thuyền không đủ các điều kiện an toàn đi biển cần thiết liên quan đến vỏ tàu, trang thiết bị của tàu, định biên và khả năng chuyên môn của thuyền bộ, lương thực, thực phẩm, nhiên liệu;

b) Mớn nước thực tế cao hơn giới hạn mạn khô cho phép hoặc tàu nghiêng hơn 08 độ trong trạng thái nổi tự do hoặc vỏ tàu thực sự không kín nước;

c) Tàu thuyền chở hàng rời, ngũ cốc hoặc hàng siêu trường, siêu trọng, hàng nguy hiểm, hàng xếp trên boong mà chưa có đủ biện pháp phòng hộ cần thiết, phù hợp với nguyên tắc vận chuyển những loại hàng đó;

d) Tàu chưa được sửa chữa, bổ sung các điều kiện an toàn hàng hải theo yêu cầu của Cảng vụ hàng hải, Thanh tra an toàn hàng hải hoặc của cơ quan đăng kiểm tàu biển;

đ) Phát hiện có nguy cơ khác đe doạ sự an toàn của tàu, người, hàng hoá ở trên tàu và môi trường biển;
e) Đã có lệnh bắt giữ tàu biển hoặc hàng hoá ở trên tàu theo quyết định của Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

10. Tàu thuyền nước ngoài quá cảnh
10.1 . Thủ tục xin phép, thông báo, xác báo :

a) Thủ tục xin phép :
– Chậm nhất 12 giờ kể từ thời điểm bắt đầu thực hiện việc quá cảnh tại khu vực Vũng Tàu hoặc tại khu vực biên giới trên sông Tiền giữa Việt Nam và Căm-pu-chia, chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu phải gửi cho Cảng vụ Vũng Tàu hoặc Cảng vụ Đồng Tháp Giấy xin phép quá cảnh theo nội dung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 của Nghị định này và phải ghi rõ mục đích quá cảnh.
– Chậm nhất 02 giờ kể từ khi nhận được Giấy xin phép quy định tại điểm a khoản này, Cảng vụ hàng hải liên quan phải trả lời bằng văn bản cho chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu biết việc chấp thuận hay không chấp thuận cho tàu quá cảnh; trường hợp không chấp thuận, phải trả lời rõ lý do.

b) Thông báo, xác báo :
Việc thông báo, xác báo thực hiện theo quy định tại Điều 14, Điều 15 và Điều 18 của Nghị định này.
10.2. Địa điểm, thời hạn và giấy tờ khi làm thủ tục :
a) Địa điểm, thời hạn làm thủ tục theo quy định tại Điều 17 và Điều 19 của Nghị định này.

b) Chậm nhất 02 giờ trước khi bắt đầu việc thực hiện quá cảnh, chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu phải nộp và xuất trình cho Cảng vụ Vũng Tàu hoặc Cảng vụ Đồng Tháp các giấy tờ dưới đây :
– Các giấy tờ phải nộp (bản chính) :
+ 01 Bản khai chung;
+ 01 Danh sách thuyền viên;
+ 01 Danh sách hành khách (nếu có);
+ 01 Bản khai hàng hoá (nếu có);
– Các giấy tờ phải xuất trình (bản chính) :
+ Giấy chứng nhận đăng ký tàu thuyền;
+ Các giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật của tàu thuyền theo quy định;
+ Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền viên;
+ Hộ chiếu thuyền viên hoặc Sổ thuyền viên;
+ Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu, nếu là tàu chuyên dùng vận chuyển dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hoá nguy hiểm khác;
+ Hộ chiếu của hành khách (nếu có).

10.3. Việc quyết định cho phép tàu quá cảnh qua sông Tiền quy định tại Điều này do Cảng vụ Vũng Tàu hoặc Cảng vụ Đồng Tháp thực hiện theo quy định dưới đây :

a) Trường hợp tàu đến vùng nước cảng biển khu vực Vũng Tàu để quá cảnh thì do Cảng vụ Vũng Tàu làm thủ tục và thu các loại phí, lệ phí theo quy định hiện hành. Ngay sau khi có văn bản chấp thuận, Cảng vụ Vũng Tàu phải báo cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về biên phòng, hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành liên quan khác và Cảng vụ Đồng Tháp, Cảng vụ Mỹ Tho biết để phối hợp quản lý hoạt động quá cảnh của tàu thuyền đó.

b) Trường hợp tàu đến khu vực biên giới trên sông Tiền giữa Việt Nam và Căm-pu-chia để quá cảnh thì do Cảng vụ Đồng Tháp làm thủ tục và thu các loại phí, lệ phí. Ngay sau khi có văn bản chấp thuận, Cảng vụ Đồng Tháp phải báo cho các cơ quan quản lý nhà nước về biên phòng, hải quan liên quan và Cảng vụ Mỹ Tho, Cảng vụ Vũng Tàu biết để phối hợp quản lý hoạt động quá cảnh của tàu thuyền đó.

11. Thời gian làm thủ tục
Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng làm thủ tục cho tàu thuyền vào, rời cảng 24/24 giờ trong ngày, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ.

12. Thực hiện lệnh điều động tàu thuyền
12.1 . Chủ tàu có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các yêu cầu quy định tại Nghị định này để các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành giải quyết kịp thời thủ tục cho tàu thuyền vào hoặc rời cảng.

12.2. Chỉ Giám đốc Cảng vụ hàng hải mới có quyền ra lệnh điều động và chỉ định vị trí neo đậu cho tàu thuyền khi hoạt động tại cảng biển.

12.3. Mọi lệnh của Giám đốc Cảng vụ hàng hải đối với hoạt động của tàu thuyền tại cảng biển đều phải được thực hiện kịp thời, chính xác và đầy đủ. Sau khi nhận được lệnh điều động, nếu xét thấy không đủ điều kiện để thực hiện ngay, thì thuyền trưởng có trách nhiệm báo cho Cảng vụ hàng hải đó biết để quyết định.

13. Xử lý các trường hợp trước và sau khi làm thủ tục
13.1. Trong trường hợp đã được cấp phép rời cảng, mà tàu thuyền vẫn còn lưu lại ở cảng quá 24 giờ kể từ thời điểm nhận Giấy phép rời cảng, thì tàu thuyền đó phải làm lại thủ tục rời cảng.

13.2. Chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về việc tàu vào hoặc rời cảng chậm trễ do lỗi của chính mình gây ra.

13.3. Trong trường hợp tàu thuyền chỉ tạm thời lưu lại cảng trong khoảng thời gian không quá 12 giờ, thuyền trưởng phải báo cho Cảng vụ hàng hải liên quan biết. Cảng vụ hàng hải phải phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành liên quan để bố trí làm thủ tục cho tàu vào, rời cảng cùng một lúc.

13.4. Nghiêm cấm những người ở trên tàu giao dịch với bất cứ ai ngoài hoa tiêu và các nhân viên công vụ đang làm thủ tục ở trên tàu trước khi tàu làm xong thủ tục nhập cảnh vào cảng hoặc sau khi đã làm xong thủ tục xuất cảnh rời cảng. Nguồn: Cục Hàng hải Việt Nam